Các thành viên tham gia góp ý vào Đề án Chính sách giảm nghèo
Cuộc họp đã trao đổi, thảo luận các nội dung, chính sách thực hiện công tác giảm nghèo tại địa phương và mạnh dạn đánh giá về cơ chế chính sách của Trung ương và tỉnh trong thời gian qua còn nhiều bất cập, chưa tạo điều kiện cho người dân phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Vấn đề giải quyết nhà ở cho hộ nghèo chưa hiệu quả. Chưa xây dựng các thiết chế y tế cho các bệnh viện huyện miền núi; các chính sách hỗ trợ còn bất cập, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn. Thực trạng, các hộ nghèo vẫn còn tư tưởng tự mãn, an phận, chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, nhất là đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Từ đó, các thành viên đã đề xuất một số giải pháp đưa vào đề án Chính sách giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017 – 2021 của UBND tỉnh Quảng Nam như: Cần giải quyết tốt về chính sách đất đai, kịp thời cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đặc biệt là đất sản xuất; có giải pháp tạo điều kiện cho những hộ nghèo không có đất canh tác; đổi mới cách thức tuyên truyền để người dân nhận thức mạnh mẽ và phải tự giác vươn lên thoát nghèo bền vững; cần có cơ chế khuyến khích thoát nghèo một cách thoả đáng nhưng cũng phải có cơ chế ràng buộc không để tái nghèo. Cần nâng mức vay vốn phù hợp tạo điều kiện cho các hộ đăng ký thoát nghèo phát triển kinh tế, không để tái nghèo; đào tạo nghề cần phải gắn liền với giải quyết việc làm; cân đối nguồn lực hỗ trợ cho các nhóm phải phù hợp; có cơ chế thông thoáng hỗ trợ cho doanh nghiệp như thuế, mặt bằng để doanh nghiệp đầu tư vào và tạo điều kiện giải quyết cho lao động tại địa phương; có cơ chế hỗ trợ cho xây dựng kết cấu hạ tầng ở vùng nông thôn; hỗ trợ sản xuất theo Chương trình 135/CP của Chính phủ đối với người đồng bào dân tộc thiểu số…
Với những nội dung góp ý sẽ góp phần xây dựng Đề án Chính sách giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017 – 2021 của UBND tỉnh Quảng Nam đạt hiệu quả./.
|