Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo
Người đăng: Ngọc Truyền .Ngày đăng: 27/07/2014 .Lượt xem: 451 lượt.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo luôn chiếm một vị trí quan trọng trong hệ thống di sản lý luận mà Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Theo Người, vấn đề tôn giáo ở Việt Nam có những đặc điểm khác với các dân tộc ở phương Tây. Ở Việt Nam không có chiến tranh tôn giáo, không có sự xung đột giữa các tín đồ với nhau. Tư tưởng đoàn kết tôn giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện trên một số nội dung cơ bản sau đây:
Đoàn kết tôn giáo được xây dựng trên cơ sở kết hợp đúng đắn các lợi ích cơ bản của công dân trong xã hội làm mẫu số chung.
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát huy những yếu tố tương đồng, dùng tương đồng để khắc phục những dị biệt, không xúc phạm đến đức tin của đồng bào có tôn giáo. Người đã tìm thấy mẫu số chung có ý nghĩa làm nền tảng tư tưởng cho đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết tôn giáo là "không có gì quý hơn độc lập tự do''; là xây dựng đất nước Việt Nam độc lập, hoà bình, thống nhất, dân chủ và giầu mạnh, mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới.
Có thái độ ứng xử rất mềm dẻo, tế nhị với các chức sắc tôn giáo, quan tâm đến cuộc sống đời thường của tín đồ.
Hơn ai hết, Người luôn hiểu rằng: chức sắc các tôn giáo là những người thay mặt đức Chúa, đức Phật... "chăn dắt" phần hồn tín đồ các tôn giáo, giáo dân tin họ, nghe theo họ tức là tin và nghe theo đức Chúa, đức Phật. Vì vậy, uy tín và tiếng nói của họ đối với tín đồ tôn giáo rất lớn. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn bày tỏ thái độ thân thiện, đoàn kết thân ái và cộng tác khá chặt chẽ với nhiều vị giám mục, linh mục, hoà thượng, thượng toạ, chưởng quản...
Đánh giá đúng giá trị nhân bản trong các tôn giáo.
Khi nói về các vị sáng lập ra các tôn giáo, Hồ Chí Minh nhận định:

Chúa Giê-su dạy: đạo đức là bác ái

Phật Thích Ca dạy: đạo đức là từ bi

Khổng Tử dạy: đạo đức là nhân nghĩa.

          Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giê-su có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả.
Bên cạnh tuyệt đại bộ phận tín đồ tôn giáo chân chính, cũng còn một bộ phận lợi dụng tôn giáo để hoạt động chống phá cách mạng, phá hoại khối đoàn kết tôn giáo. Hồ Chí Minh đã chỉ ra chuẩn mực để phân biệt rõ ngay - gian, chính - tà. Người ca ngợi những tín đồ chức sắc tôn giáo nêu cao chính nghĩa tận tâm, tận lực đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng nhân dân khỏi ách nô lệ, áp bức, đói nghèo...
Việt Nam là một quốc gia có nhiều tôn giáo, trong đó, các tôn giáo lớn trên thế giới như: Thiên chúa giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Tin lành đều có mặt ở Việt Nam. Bên cạnh đó còn có một số tôn giáo ra đời trong lòng dân tộc như: đạo Cao đài, đạo Hoà hảo... cũng xuất hiện khá sớm càng làm cho "bức tranh" tôn giáo ở nước ta đa dạng nhiều mầu sắc. Đồng bào theo tôn giáo chiếm số lượng khá đông (khoảng 19,4% dân số cả nước). Đại đa số đồng bào có đạo là người lao động, luôn đồng hành cùng dân tộc và có nhiều công lao đóng góp trong cách mạng giải phóng dân tộc trước đây, cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN ngày nay. Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo trong tình hình hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định quan điểm, chính sách tôn giáo nhất quán là: Đồng bào các tôn giáo là bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo của công dân, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo pháp luật. Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau, đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo. Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo... Để thực hiện Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo, theo chúng tôi, cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau đây:

Một là, tăng cường giáo dục nhận thức đúng đắn Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống dân tộc và các giá trị văn hoá tốt đẹp của đất nước.

Đây là giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, trình độ hiểu biết cho nhân dân, là cơ sở quan trọng để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ hơn về nguồn gốc, bản chất của tôn giáo, trên cơ sở đó có hành động đúng đắn, phù hợp. Coi trọng tuyên truyền giáo dục đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tôn giáo để nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng và thực hiện tốt, tạo niềm tin của nhân dân không phân biệt tôn giáo vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hai là, phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ trong hệ thống chính trị thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo trong giai đoạn hiện nay. Đây là giải pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định bởi cán bộ là cái gốc của công việc, thực hiện có hiệu quả Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo.
Ba là, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, cải thiện và từng bước nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào theo tôn giáo.
Đây là giải pháp cơ bản, vừa mang tính cấp bách trước mắt vừa mang tính chiến lược lâu dài đối với công tác tôn giáo. Bởi vì, nước ta với hơn 2/3 dân số là nông dân, điều kiện kinh tế - xã hội tuy đã được cải thiện song còn không ít khó khăn. Đặc biệt trong đó đồng bào theo tôn giáo phần đông là người lao động nghèo (chủ yếu là nông dân) đời sống còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp so với mặt bằng chung của toàn xã hội, dễ bị lợi dụng, kích. Chỉ có ổn định và phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện và từng bước nâng cao đời sống nhân dân, đưa ánh sáng của Đảng đến với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đông đồng bào theo tôn giáo giúp nhân dân cảnh giác với sự tuyên truyền xuyên tạc của kẻ thù, không bị thủ đoạn truyền đạo trái phép lừa bịp.
Bốn là, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết trừng trị những âm mưu hành động lợi dụng tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân.
Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán: tôn trọng tự do tín ngưỡng tôn giáo và tự do không tín ngưỡng tôn giáo của công dân, kiên quyết trừng trị các âm mưu hành động lợi dụng tôn giáo phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân..
Quan điểm trên chính là sự kế thừa và vận dụng sáng tạo Tư tưởng Hồ Chí Minh về tín ngưỡng tôn giáo nói chung, về đoàn kết tôn giáo nói riêng trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể của cách mạng nước ta hiện nay.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo luôn nóng bỏng tính thời sự. Là cơ sở quan trọng để Đảng, Nhà nước ta thực hiện chính sách tôn giáo ở Việt Nam hiện nay. Thực hiện tư tưởng của Người chính là góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.       
Nguyễn Tú Anh - Nguyễn Văn Đồng
Học viện Chính trị
Nguồn tin: Xây dựng Đảng
[Trở về]

Các tin mới hơn:
Thăng Bình: Gặp mặt nhân dịp Lễ Giáng sinh năm 2016. (Ngày đăng: 20/12/2016 )
Điện Bàn: Thăm, chúc mừng Đại lễ Phật đản PL 2560 – DL 2016 (Ngày đăng: 19/05/2016 )
Đại Lộc: Gặp mặt chức sắc, chức việc các tôn giáo (Ngày đăng: 27/01/2016 )
Hiệp Đức: Gặp mặt các chức sắc tôn giáo nhân dịp Tết Nguyên đán Bính Thân-2016 (Ngày đăng: 26/01/2016 )
Biểu dương người tốt, việc tốt trong đồng bào Công giáo (Ngày đăng: 01/10/2015 )
Phú Ninh gặp mặt Chức sắc tôn giáo nhân dịp năm mới Ất Mùi -2015 (Ngày đăng: 05/02/2015 )
Các tin cũ hơn:
Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam đến thăm và chúc mừng nhân Đại lễ Phật đản-PL.2558 (Ngày đăng: 10/05/2014 )
Đoàn đại biểu của Tỉnh ủy - HĐND - UBND - UBMTTQVN đến dự buổi lễ tưởng niệm Cố Đại lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh tại Chùa Đạo Nguyên (Ngày đăng: 03/04/2014 )
Đồng chí Lê Văn Lai, UVBTV Tỉnh ủy - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đến thăm và chúc mừng các vị chức sắc Công giáo, Tin lành nhân Lễ Giáng Sinh năm 2013 (Ngày đăng: 23/12/2013 )